Trong giới đầu tư, hẳn là không ai không biết đến huyền thoại Warren Buffett. Nhưng bạn có biết, người được xem là người thầy, cũng là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của Buffett, chính là Benjamin Graham.
Không chỉ là một nhà đầu tư đại tài, Benjamin Graham còn là người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà đầu tư.
Là người đi đầu trong chiến lược đầu tư giá trị, Benjamin Graham chính là kim chỉ nam soi sáng cho sự nghiệp của nhiều nhà đầu tư vĩ đại khác trên thế giới.
Với bài viết này bạn sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những triết lý đầu tư đáng học hỏi của Benjamin Graham. Và bạn cũng sẽ có thể hiểu được tại sao Warren Buffett lại tôn sùng người thầy này đến như vậy.
Cuộc đời và sự nghiệp Benjamin Graham
Benjamin Graham sinh ngày 9/5/1894, mất ngày 21/9/1976. Ông sinh ra tại London, Vương quốc Anh, nhưng từ 1 tuổi đã theo gia đình di cư sang Mỹ và lớn lên ở New York.
Vốn dĩ tên khai sinh của ông là Benjamin Grossbaum. Nhưng vì họ Grossbaum nghe giống tên của người Đức, mà khi đó những cái tên Đức không được hoan nghênh lắm ở Mỹ. Do vậy bố mẹ Benjamin quyết định đổi họ cho ông thành Graham.
Cha của Graham vốn là nhà buôn đĩa sứ và tượng nhỏ. Thuở nhỏ ông sống cũng khá sung túc và đầy đủ, cho đến khi cha ông mất vào năm ông lên 9 tuổi.
Vượt qua những khó khăn đầu đời
Năm 1903, sau khi cha Graham qua đời, gia đình ông rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn khi gần như mất hết tài sản do các khoản đầu tư và vay nợ mua cổ phiếu.
Tuy hoàn cảnh như vậy, nhưng Graham vẫn rất cố gắng học hành. May mắn dành được học bổng Đại học Tổng hợp Columbia, ông tốt nghiệp từ năm 20 tuổi với danh hiệu á khoa của lớp.
Vài tuần trước khi tốt nghiệp, Graham được đề nghị ở lại trường làm giảng viên các khoa Triết học, Anh văn và Toán học, nhưng ông đã từ chối. Ông quyết định sẽ tự lập nghiệp tại Phố Wall.
Như mong đợi, năm 1914, khi vừa tốt nghiệp, Graham lập tức được nhận vào làm viêc tại một công ty môi giới ở phố Wall – Newburger, Henderson & Loeb – với vai trò là một nhân viên thông tin.
Ban đầu, ông chỉ làm những công việc vặt ở công ty, nhưng rồi với khả năng và trí thông minh của mình, Graham dành được sự tin tưởng và được trao cho các trọng trách lớn hơn.
Simplize - Phần mềm phân tích và định giá cổ phiếu chỉ trong 3 phút
Simplize sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) để cung cấp cho người dùng các công cụ và thông tin cần thiết để định giá và phân tích chứng khoán một cách nhanh chóng và hiệu quả. Là một AI là một hệ thống thông minh có khả năng học hỏi và phân tích dữ liệu từ hàng trăm nguồn thông tin khác nhau, từ tin tức tài chính đến chỉ số thị trường, giúp bạn loại bỏ cảm xúc giao dịch và dự báo cổ phiếu tiềm năng.
Truy cập website: www.simplize.vnÔng nhanh chóng trở thành một nhân sự quan trọng trong công ty và đã được tham gia nghiên cứu tài chính ngay từ sớm.
Dù còn rất trẻ, Graham đã kiếm được 50,000 USD mỗi năm, con số không hề nhỏ tại thời điểm đó.
Năm 1926 Graham bắt tay cùng với một người cộng sự tên là Jerome Newman và thành lập nên Quỹ đầu tư Graham Newman Partnership.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai người thực sự mang tính cách mạng. Họ biết cách áp dụng triệt để các chiến lược, giúp cho các khoản đầu tư của khách hàng đạt lợi nhuận lên đến 670% trong vòng 10 năm.
Đến khoảng cuối năm 1928, Graham trở về trường cũ của mình là trường Đại học Tổng hợp Columbia làm giảng viên. Song hành với việc kinh doanh của mình, ông gắn bó lâu dài với công việc giảng viên này đến khi về hưu.
Cũng từ công việc giảng viên này, Graham đã đào tạo biết bao nhiêu nhà đầu tư nổi tiếng sau này, xuất sắc nhất phải kể đến Warren Buffett.
Đối mặt với khủng hoảng
Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế khiến thị trường chứng khoán sụp đổ. Trong bối cảnh đại suy thoái, Graham Newman Partnership đã gần như mất hết số cổ phiếu, nhưng vẫn cố gắng duy trì hoạt động.
Sau bao nỗ lực, cuối cùng ông đã lấy lại được tài sản của mình và tự hứa sẽ không bao giờ để mất một lần nữa. Cho đến năm 1956, lợi nhuận trung bình hàng năm của công ty là 17%.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán cùng với những tổn thất nặng nề đã khiến Graham phải suy nghĩ rất nhiều. Cũng từ đó, ông quyết định xuất bản cuốn sách đầu tiên vào năm 1934, có tên là “Phân tích chứng khoán”. Cuốn sách là sản phẩm đồng sáng tác của Graham và David Dodd.
Năm 1948, Graham Newman Co đã mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân viên Chính phủ GEICO. Mặc dù có chữ “Chính phủ” trong tên gọi, nhưng đây lại là một công ty tư nhân.
Vì một Quỹ đầu tư thì không thể sở hữu một công ty bảo hiểm, nên họ đã biến nó thành một công ty đại chúng, phân bổ cổ phiếu giữa các nhà đầu tư.
Năm 1949, Graham cho ra đời “đứa con tinh thần” thứ 2 của mình – cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh”. Nếu như “Phân tích chứng khoán” chỉ rõ sự khác biệt giữa đầu tư và đầu cơ, thì “Nhà đầu tư thông minh” chủ yếu nói về đầu tư giá trị.
Đồng thời trong khoảng thời gian đó, Graham tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thị trường chứng khoán. Ông thường mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thanh lý của các công ty và kiếm lợi nhuận từ giảm thiểu rủi ro sụt giá.
Nhiều năm sau, vào năm 1956 Graham chính thức ngừng hợp tác với Newman và rút lui khỏi thị trường chứng khoán. Đồng thời, ông cũng nghỉ dạy tại đại học Columbia và chuyển đến California.
Tại đây, ông tiếp tục giảng dạy tại Đại học California, Los Angeles và trường Quản lý Anderson, New Mexico. Graham vẫn giữ nhà ở New York nhưng lại thường xuyên đến Pháp.
Mặc dù đã rút lui khỏi thị trường, nhưng mối quan tâm của Graham đối với chứng khoán không hề thuyên giảm. Ông đã dành phần lớn khoảng thời gian nghỉ hưu của mình để tìm ra những công thức đơn giản hóa, những thứ sẽ giúp ích nhiều cho các nhà đầu tư.
Graham và những học trò xuất sắc
Trong suốt những năm tháng lăn lộn trên thị trường chứng khoán, Graham đã gây dựng được tên tuổi. Thành tích của ông đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư trẻ, trong đó có Warren Buffett.
Năm 1949, nhà đầu tư 19 tuổi – ông trùm kinh doanh tương lai Warren Buffett đã đăng ký vào Đại học Columbia chỉ để được học với Graham.
Buffett sau khi tốt nghiệp còn muốn được làm việc tại công ty của Graham, thậm chí là sẵn sàng làm không lương nếu được nhận. Tuy nhiên Graham đã từ chối.
Nhưng một thời gian sau, ông đổi ý và chiêu mộ Buffett về với Graham Newman năm 1954 với mức lương 12,000 USD mỗi năm. Buffett đã làm việc tại đây cho đến khi Graham nghỉ hưu năm 1956.
Không rõ vào khoảng thời gian nào, khi đứng lớp tại Học viện Giao dịch chứng khoán New York, Graham đã gặp một người học trò là nhà đầu tư và quản lý quỹ Walter J. Schloss. Sau này Schloss cũng về làm việc cho Graham để học hỏi từ ông những mánh khóe trong giao dịch chứng khoán.
Người trợ giảng của Graham tại Đại học Columbia – Irving Kahn – cũng là một học trò chịu ảnh hưởng từ ông rất nhiều.
Ngoài ra, Graham còn từng đào tạo rất nhiều những nhà đầu tư đáng chú ý khác, có thể kể đến những cái tên như William J. Ruane, Seth Klarman, Bill Ackman và Charles H. Brandes… Họ tự coi mình là đệ tử của Graham và thường xuyên sử dụng các kỹ thuật đầu tư giá trị trong đầu tư.
Đời sống cá nhân
Trong suốt cuộc đời mình, Benjamin Graham đã kết hôn đến 3 lần. Khá ít người biết những thông tin cụ thể về vợ con ông.
Người vợ đầu tiên của Graham là một giáo viên dạy nhảy. Mặc dù bà đã tạm dừng sự nghiệp của mình sau khi kết hôn để tập trung chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, sau vụ sụp đổ thị trường năm 1929, bà phải trở lại với công việc giảng dạy.
Graham ly hôn với người vợ đầu tiên năm 1937. Sau đó 1 năm ông đã kết hôn với một nữ diễn viên trẻ. Cuộc hôn nhân này cũng không được lâu dài.
Ông nhanh chóng ly hôn trong một thời gian ngắn để cưới Estelle Messing Graham – cô thư ký của mình. Estelle, hay còn gọi là Estie, được cho là một người ấm áp, cho đi mà không phán xét.
Graham có một người con trai với Estelle – Benjamin Graham Jr. Trong hai cuộc hôn nhân trước đó, ông đã có ít nhất 2 người con trai. Trong đó, người con thứ nhất Newton I đã qua đời từ năm 8 tuổi vì bệnh viêm màng tủy sống.
Năm 1954, người con thứ hai của ông – Newton II đã tự sát ở Pháp. Khi nghe tin, ông liền tới Pháp để lo các thủ tục nghi thức cuối cùng cho con. Tại đây, ông gặp Marie Louise Amigues, người đang trong mối quan hệ với Newton mặc dù lớn hơn cậu tận 20 tuổi.
Graham và Amigues cuối cùng lại phát triển mối quan hệ với nhau. Graham bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho bà.
Năm 1965, ông quyết định nói với người vợ hiện tại của ông – Estelle rằng sẽ ở với vợ tại Californa trong 6 tháng còn 6 tháng còn lại dành cho Amigues ở Pháp. Hiển nhiên là Estelle không đồng ý. Vì vậy, ông rời khỏi nhà và quay trở lại Pháp.
Cuối cùng Graham đã dành phần đời còn lại của mình cùng với Amigues tại Pháp. Ngày 21 tháng 9 năm 1976, Graham qua đời tại Aix-en-Provence, Pháp, hưởng thọ 82 tuổi.
Triết lý đầu tư của Benjamin Graham
Trong suốt sự nghiệp đầu tư của mình, Benjamin Graham đã để lại nhiều bài học đắt giá để giúp các nhà đầu tư thành công. Những phương pháp đầu tư của Graham, được đúc kết lại thành những nguyên tắc rất rõ ràng.
Nguyên tắc 1: Lợi nhuận an toàn là ưu tiên hàng đầu
Ở đây lợi nhuận an toàn có thể được hiểu là mua chứng khoán với giá giảm tới giá trị thực của nó. Việc này không chỉ giúp nhà đầu tư có cơ hội thu được lãi lớn mà còn hạn chế được những rủi ro giảm giá trong đầu tư.
Nói một cách dễ hiểu, giả sử nếu Graham muốn mua một tài sản có giá trị 1 USD, ông sẽ trả giá và mua với mức giá chỉ 0.5 USD.
Theo Graham, những tài sản này sẽ đáng giá nếu chúng có tiềm năng sinh lời ổn định hoặc có giá trị thanh khoản.
Các nhà đầu tư cần chú ý đến khái niệm này vì đầu tư giá trị mang đến lợi nhuận khi thị trường không tránh khỏi tái định giá làm tăng giá cổ phiếu tới mức cần thiết.
Khi thị trường bất ngờ đi xuống, nó cũng có thể giúp hạn chế bớt những rủi ro không lường trước.
Những khoản lợi nhuận an toàn nhờ việc mua lại công ty được định giá thấp hơn giá trị thực của nó chính là điểm đặc trưng trong những thương vụ nổi tiếng của Graham.
Graham đã đánh giá chọn lọc rất kỹ lưỡng các cổ phiếu có giá trị thấp này và nhận ra rằng sẽ khó có thể xuất hiện sự sụt giá ở chúng thêm nữa.
Chính vì vậy mà các học trò của Graham dù có áp dụng chiến lược riêng của mình thành công đến mức nào thì vẫn luôn đồng tình với quan điểm “lợi nhuận an toàn” của ông.
Nguyên tắc 2: Kiếm lợi từ việc đối mặt với sự bất ổn
Đã tham gia vào thị trường chứng khoán thì việc đối mặt với sự bất ổn không còn gì quá xa lạ.
Tuy nhiên thay vì bỏ chạy trước những bất ổn thì theo Graham, thị trường suy giảm có thể tạo nên những cơ hội đầu tư tuyệt vời.
Để minh họa cho điều này, Graham đã xây dựng nên hình ảnh “Ngài Thị trường”- cộng sự cũng như đối tác kinh doanh trong tưởng tượng của các nhà đầu tư.
Mỗi ngày, Ngài Thị trường sẽ mang đến cho các nhà đầu tư một mức giá để mua hoặc bán cổ phần kinh doanh. Bạn có thể chấp nhận hoặc phớt lờ ông ta nếu muốn.
Khi việc kinh doanh đang phát triển và nhìn viễn cảnh tương lai có vẻ tươi sáng, Ngài Thị trường sẽ trở nên phấn khích và đưa ra mức giá cao ngất ngưởng. Bởi ông ta lo sợ sẽ để mất lợi nhuận trong tương lai.
Ngược lại, khi việc kinh doanh không thuận lợi, chỉ nhìn thấy tình trạng khó khăn, Ngài Thị trường sẽ chán nản và đề nghị mức giá thấp với bạn.
Có một quy luật Graham nhắc nhở bạn luôn phải tuân thủ khi giao dịch với Ngài Thị trường đó là phải cẩn thận trước những “cám dỗ” mà Ngài Thị trường đưa ra. Nên nhớ, Ngài thị trường là đối tác, không phải người hướng dẫn đầu tư của bạn.
Ngài Thị trường không phải là kẻ ngốc để bạn có thể lợi dụng. Nhưng, bạn nên nắm bắt cơ hội, tận dụng sơ hở từ tính hai mặt của ông ta để đầu tư thành công.
Cách tốt nhất để đầu tư thuận lợi với Ngài thị trường đó là canh thời điểm ông ta chán nản đưa ra mức giá thấp để mua cổ phiếu và bán ra khi ông ta nhìn thấy những điểm tích cực của tương lai.
Để tránh những cám dỗ Ngài thị trường có thể tạo ra để thu hút bạn, Graham muốn bạn biết rằng giá trị nội tại của công ty không phụ thuộc vào đánh giá của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Nhờ vậy bạn sẽ tránh được những rủi ro vì đánh giá không chính xác.
Sau đó, đừng nghe những lời dụ dỗ đầy mê hoặc của Ngài Thị trường mà chỉ mua những cổ phiếu có giá bán bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nội tại của công ty.
Graham đã đưa ra hai chiến thuật để hạn chế những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của thị trường:
- Bình ổn giá trị đô la
- Đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu
Bình ổn giá trị đô la được thực hiện bằng cách thường xuyên mua cổ phiếu tương đương một giá trị đô la nhất định. Chiến thuật này giúp nhà đầu tư duy trì ổn định giá, phù hợp với các nhà đầu tư thụ động.
Với chiến thuật bình ổn giá trị đô la, nhà đầu tư có thể bớt đi một phần mối lo lắng trong việc chọn mua cổ phiếu với mức giá bao nhiêu trong thời điểm nào thì thích hợp.
Còn đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư phân bổ được một danh mục bao quát thị trường, bảo toàn được vốn kể cả khi thị trường suy thoái.
Như đã nói ở trên, Graham đề cao việc bảo toàn vốn trước sau đó mới là tăng trưởng. Vì vậy ông đề xuất mức đầu tư vào trái phiếu trong khoảng 25 – 75% tùy tình hình thị trường.
Điểm mạnh của chiến lược này đó là giữ nhà đầu tư tránh được cảm giác bất an khiến dễ bị cám dỗ bởi những thương vụ rủi ro cao.
Nguyên tắc 3: Xác định loại nhà đầu tư đúng nhất với bản thân
Graham cho rằng việc xác định rõ cá tính đầu tư của riêng mình cũng là một việc cần thiết trong đầu tư.
Để dễ hình dung hơn, ông đưa ra sự so sánh cụ thể giữa các nhóm nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.
Theo Graham, có thể chia nhà đầu tư thành hai nhóm: nhóm chủ động và nhóm bị động (hay nhóm tấn công và nhóm phòng thủ).
Nhóm chủ động thường là những nhà đầu tư thực sự dành nhiều thời gian và công sức để đầu tư có kế hoạch kỹ lưỡng. Nếu thuộc nhóm này, bạn sẽ là những người chủ động tìm kiếm những cơ hội đầu tư với tiềm năng thu được lợi nhuận lớn.
Ngược lại, nếu không đủ khả năng để tìm hiểu quá sâu về đầu tư, chỉ có thể thụ động nghe theo sự chỉ dẫn từ người khác, chắc hẳn bạn thuộc nhóm thụ động. Với nhóm này, bạn sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhưng không phải mất nhiều thời gian công sức.
Đối với Graham, thay vì quan niệm quen thuộc “rủi ro = lợi nhuận”, ông cho rằng “công sức = lợi nhuận” mới là chính xác. Càng bỏ nhiều công sức thì lợi nhuận thu được sẽ càng cao hơn.
Dù là một nhà đầu tư thụ động, bạn vẫn có thể đạt được lợi nhuận trung bình nếu đầu tư vào một danh mục được lựa chọn tốt.
Graham nhận thấy, có nhiều người cho rằng nếu dễ dàng thu được lợi nhuận trung bình mà không mất nhiều công sức (nhờ danh mục đầu tư) thì chỉ cần bỏ ra thêm một chút cố gắng thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận lớn hơn.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Hầu hết những người cố gắng làm điều này đều chỉ khiến cho lợi nhuận kém hơn cả mức trung bình.
Nhà đầu tư thụ động nên đầu tư vào danh mục có cả cổ phiếu và trái phiếu. Nhờ vậy có thể bao phủ toàn thị trường, từ đó thu được lợi nhuận từ những khu vực hoạt động tốt mà không phải dự đoán trước.
Tuy không thể tập trung vào một phần lợi nhuận cao, nhưng cách này giúp các nhà đầu tư vừa có lợi nhuận vừa tránh được rủi ro.
Nhà đầu tư và đầu cơ
Không phải ai chơi chứng khoán cũng được gọi là nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư coi việc đầu tư cổ phiếu như một phần của công việc kinh doanh, và bản thân người nắm giữ cổ phiếu là chủ việc kinh doanh đó.
Trong khi đó, nhà đầu cơ chỉ xem đầu tư như một trò chơi kiếm ra tiền. Đối với nhà đầu cơ, giá trị của cổ phiếu được coi là giá người bán đưa ra tại thời điểm bán.
Graham cho rằng đầu cơ hay đầu tư đều có thế mạnh riêng, nếu như mỗi người xác định được chắc chắn rằng mình có thể làm tốt ở bên nào hơn.
Graham và những thương vụ nổi tiếng
Nhắc đến Benjamin Graham, giới đầu tư hẳn là sẽ nghĩ ngay đến thương vụ huyền thoại của ông. Đó là thương vụ đầu tư vào công ty bảo hiểm GEICO năm 1948.
Ban đầu, Graham không hề có ý định đầu tư vào công ty này. Ông cho rằng, không dễ để định giá doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, vào thời điểm đó ngành bảo hiểm đang quay cuồng với lạm phát mạnh sau chiến tranh thế giới thứ hai gây ra nhiều tổn thất.
Bên cạnh đó, cổ đông lớn của GEICO khi ấy – gia đình Rhea – đang tìm cách bán đi 75% cổ phần của mình. Sau khi bị các nhà đầu tư lớn khác từ chối, họ đã tìm đến Graham – Newman.
Bất ngờ là Graham không những không từ chối, mà còn phá vỡ quy tắc đầu tư của mình để mua cổ phần của GEICO.
Trước đây, nếu có tìm hiểu về Graham, hẳn là ai cũng biết Graham hiếm khi phân bổ hơn 5% danh mục đầu tư của mình cho một khoản đầu tư. Ông thích sở hữu một danh mục đầu tư đa dạng các cổ phiếu giá rẻ, giảm thiểu rủi ro với định giá thấp và đa dạng hóa.
Tuy nhiên dựa trên những phân tích và dự báo thị trường theo cách thức của riêng mình, Graham quyết định đầu tư 25% số vốn mình có để mua lại 50% cổ phần công ty bảo hiểm GEICO với giá chỉ 712,000 USD.
Graham đã mua một nửa công ty với 1,500 cổ phiếu, mỗi cổ phiếu có giá trị 475 USD (giảm 10% so với giá trị sổ sách).
Ông lập tức trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị với số cổ phần lớn này. Chủ ngân hàng đầu tư trong thỏa thuận – Lorimer Davidson đã gia nhập công ty như một phần của giao dịch – và sẽ kế nghiệp Goodwin khi ông nghỉ hưu vào năm 1958 với tư cách là CEO.
Năm 1949, lợi nhuận của GEICO đã tăng vượt mốc 1 triệu USD. Để lấy ví dụ về lợi thế chi phí thấp được GEICO áp dụng, tỷ lệ lợi nhuận bảo hiểm trên mức phí là 27.5%.
Đến năm 1950, công ty đã có gần 144,000 chính sách có hiệu lực và 8 triệu USD phí bảo hiểm hàng năm, được cấp phép chỉ trong 15 tiểu bang (tất nhiên bao gồm cả D.C.).
8 năm sau khi đầu tư vào GEICO, năm 1956 Graham quyết định bán hết cổ phần của mình ở GEICO để rút khỏi thị trường, tập trung vào giảng dạy và truyền lại triết lý đầu tư. Tại thời điểm đó, tỷ lệ lợi nhuận Graham đạt được là 1,635%.
Năm 1958, tổng thị trường khả dụng của công ty nhiều hơn gấp 3 lần so với khi bắt đầu thu hút các nhân viên chính phủ, các nhà quản lý, nhân viên kỹ thuật và hành chính với các tài liệu nổi bật cần thiết.
Sau 25 năm, giá trị của khoản đầu tư này lên tới 400 triệu USD, tức là tăng gấp 562 lần, và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Benjamin Graham quotes: Những câu nói nổi tiếng của Benjamin Graham
Cùng với việc cho ra mắt những cuốn sách để đời, Benjamin Graham đã để lại rất nhiều những câu nói nổi tiếng.
Dưới đây là những câu nói được truyền lại qua bao nhiêu đời và mang lại nhiều giá trị cho các nhà đầu tư trẻ ngày nay.
1. Đầu tư đơn giản nhưng không hề dễ dàng
2. Thật vô lý khi nghĩ rằng có thể đầu tư thành công chỉ từ những phân tích, dự đoán về thị trường
3. Trong ngắn hạn, thị trường là một chiếc máy bỏ phiếu lựa chọn giữa mua và bán, còn trong dài hạn, thị trường là một chiếc bàn cân để cân rõ trọng lượng của từng doanh nghiệp
4. Để đạt được những kết quả đầu tư đủ để làm hài lòng bạn dễ hơn so với nhiều người nghĩ, nhưng để có những kết quả vượt trội thì khó hơn người ta nghĩ rất nhiều
5. Một nhà đầu tư đích thực thì nên suy nghĩ và hành động như một nhà đầu tư, chứ không phải một nhà đầu cơ
6. Nếu bạn coi đầu tư cổ phiếu là mua sắm, thì hãy coi nó như việc mua đồ ở tạp hóa (chờ khuyến mãi, giảm giá) chứ đừng coi như mua nước hoa, mỹ phẩm (giá thường đắt hơn giá trị thực)
7. Rắc rối lớn nhất, cũng như kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư, chính là bản thân họ
8. Những nguyên tắc cơ bản của đầu tư thường không thay đổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, nhưng để ứng dụng đúng cách các nguyên tắc này cần thích ứng với những thay đổi của môi trường đầu tư và cơ chế của thị trường tài chính.
9. Việc bỏ quá nhiều tiền để mua một công ty tốt không hẳn là một chiến lược đầu tư tốt
10. Một nhà đầu tư nếu không thể làm chủ cảm xúc của bản thân thì sẽ không được chuẩn bị tốt để nhận lợi nhuận từ thị trường
11. Đầu tư cổ phiếu không nên chỉ dựa vào sự lạc quan mà còn phải dựa vào những con số tính toán nữa
12. Bất cứ ai kể cả những nhà đầu tư thông minh cũng cần phải vững vàng về ý chí để không bị ảnh hưởng bởi đám đông
13. Nhà đầu tư khi phân tích thị trường cũng giống như việc cư xử với vợ của mình, có thể không quá chú tâm đến lời nói, nhưng không được phớt lờ hoàn toàn. Biết cách để thu nhận điều cần thiết và bỏ qua những điều không đáng quan tâm là kỹ năng của người chồng giỏi cũng như một nhà đầu tư giỏi
Không chỉ có vậy, Benjamin Graham còn để lại rất nhiều những câu nói nổi tiếng khác, là những triết lý đầu tư truyền cảm hứng cho không ít các nhà đầu tư lỗi lạc.
Sách hay về Benjamin Graham
Bên cạnh sự nghiệp đầu tư vĩ đại của mình, Benjamin Graham còn rất quan tâm đến việc viết sách về đầu tư. Graham đã đưa rất nhiều những triết lý, chiến lược đầu tư của mình vào những cuốn sách mà ông viết.
Dưới đây là những cuốn sách được xem là hay nhất về triết lý đầu tư của Benjamin Graham do chính tay ông viết để truyền lại cho thế hệ sau.
Nhắc đến Benjamin Graham, không ai là không biết đến cuốn sách kinh điển này của ông.
Đây quả thực là cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ nhà đầu tư, với những triết lý đặc trưng của Graham.
Được biết đến là cha đẻ của đầu tư giá trị, Graham đã tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn trong giới đầu tư với cuốn sách của mình.
Sau khi tái bản, cuốn sách được bổ sung những bình luận của ký giả nổi tiếng chuyên về tài chính – Jason Zweig. Dưới cái nhìn của Zweig, độc giả có thể hình dung kỹ hơn về cách áp dụng các nguyên tắc đầu tư của Graham trong thực tế thị trường hiện nay.
Nhà đầu tư thông minh là cuốn sách cần thiết với bất cứ nhà đầu tư giá trị nào.
Chỉ xếp ngay sau Nhà đầu tư thông minh, Phân tích chứng khoán là một trong những cuốn sách quan trọng cần phải có đối với các nhà đầu tư.
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mà Graham xuất bản, đồng sáng tác với đồng nghiệp David Dodd.
Mặc dù đã có từ cách đây hơn 80 năm nhưng cuốn sách vẫn giữ nguyên giá trị với những kiến thức, những bài học hữu ích, phương pháp đầu tư với tính ứng dụng tuyệt vời của Graham.
Dù thị trường chứng khoán có nhiều thay đổi cho đến ngày nay nhưng vẫn hoàn toàn có thể áp dụng những gì được đề cập trong cuốn sách, bởi đó là những triết lý bền vững, trường tồn và không thay đổi theo thời gian.
Phân tích chứng khoán được Warren Buffett xem là “một tấm bản đồ chỉ đường trong đầu tư” mà ông thường xuyên sử dụng.
3. The Interpretation of Financial Statements
Michael F. Price – Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư nổi tiếng Franklin Mutual – từng chia sẻ về cuốn sách này: “Dù bạn là người mới đầu tư hay một chuyên gia nhiều kinh nghiệm, cuốn sách của Graham cũng mang lại lợi ích cho bạn giống như những gì tôi đã và đang đạt được.”
Cuốn sách này là những hướng dẫn cụ thể giúp bạn đọc hiểu sâu và phân tích được báo cáo tài chính. Những hướng dẫn này đã hoàn toàn được chứng minh qua thời gian.
Dù ngày nay The Interpretation of Financial Statements đã không còn được xuất bản, nhưng vẫn thường được nhắc tới bên cạnh Nhà đầu tư thông minh và Phân tích chứng khoán như một bộ ba kinh điển cần có trong đầu tư.
Bottom line
Cha đẻ của đầu tư giá trị – Benjamin Graham quả thực là một người thầy đáng ngưỡng mộ của nhiều thế hệ nhà đầu tư.
Warren Buffett, học trò nổi bật nhất của Graham từng nói: “Học theo các triết lý của Graham tức là bạn sẽ nhận được những lợi ích từ sự điên rồ của thị trường chứ không phải trở thành một phần của sự điên rồ đó.”
Bản thân Buffett cũng học hỏi được rất nhiều từ Graham, cũng từ những triết lý của Graham cũng với đầu óc vượt trội của bản thân để trở thành nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại như ngày nay.
Không chỉ để lại nhiều bài học, triết lý đầu tư đắt giá, Benjamin Graham còn giúp cho biết bao người trở thành nhà đầu tư đại tài, và họ sẽ tiếp tục soi đường cho các thế hệ tiếp theo.
Có thể nói, Benjamin Graham là người thầy của những huyền thoại. Việc tạo ra những huyền thoại khác trong giới đầu tư là một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Graham.
3 thoughts on “Benjamin Graham – Cha đẻ của đầu tư giá trị”
Cảm ơn GoValue Team đã có nhiều bài viết giá trị. Bài viết cực kỳ chất lượng và quá nhiều thông tin bổ ích
Cảm ơn bạn,
Bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của GoValue nhé: https://govalue.vn/dau-tu-chung-khoan/
“Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thành đạt có 2 đặc điểm chung: thứ nhất – Họ kỷ luật và nhất quán, từ chối thay đổi cách tiếp cận của mình ngay cả khi nó không hợp thời. Thứ hai – họ suy nghĩ rất nhiều về điều họ làm và cách làm điều đó như thế nào, song họ không quan tâm đến việc thị trường đang làm gì”
Trích Nhà đầu tư thông minh – Benjamin Graham
Một trong những trích dẫn hay nhất trong sách của Graham. Cám ơn thầy vì những bài học để đời!! <3