Tìm kiếm
Close this search box.
MỤC LỤC
    Add a header to begin generating the table of contents

    Home » Hướng dẫn tìm kiếm những cổ phiếu TỐT NHẤT (với công cụ miễn phí)

    Hướng dẫn tìm kiếm những cổ phiếu TỐT NHẤT (với công cụ miễn phí)

    MỤC LỤC
      Add a header to begin generating the table of contents

      Bạn đã bao giờ cảm thấy bế tắc và không tìm được 1 ý tưởng (cổ phiếu) để mua?

      Hoặc nếu bạn mới đầu tư, tôi tin rằng bạn sẽ luôn đặt câu hỏi:

      “Bây giờ mua con gì (mã nào)?”

      Việc tìm kiếm cổ phiếu tốt luôn là bài toán khó với mọi nhà đầu tư, từ những người mới đầu tư  chứng khoán cho đến những người có nhiều năm kinh nghiệm, và thậm chí là cả những quỹ đầu tư.

      Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn 1 quy trình đầy đủ cách tìm kiếm những cổ phiếu tốt từ cơ bản đến nâng cao.

      Đây chính là những cách mà tôi đã thực hiện để chọn ra được FPT ngày 26/10/2018 giá 40.8 (giá hiện tại 47.x, tăng 17%):

      …hay PPC ngày 15/8/2018 ở giá 18.2 (giá hiện tại 25.x, tăng +42.6% tính cả cổ tức):

      Và điều thú vị là…

      …những công cụ mà tôi hướng dẫn bạn hầu hết là những công cụ miễn phí.

      Đối với những nhà đầu tư lâu năm, bạn sẽ được bổ sung thêm 1 vài “bí kíp” ít được biết tới.

      Simplize - Phần mềm phân tích và định giá cổ phiếu chỉ trong 3 phút

      Simplize sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) để cung cấp cho người dùng các công cụ và thông tin cần thiết để định giá và phân tích chứng khoán một cách nhanh chóng và hiệu quả. Là một AI là một hệ thống thông minh có khả năng học hỏi và phân tích dữ liệu từ hàng trăm nguồn thông tin khác nhau, từ tin tức tài chính đến chỉ số thị trường, giúp bạn loại bỏ cảm xúc giao dịch và dự báo cổ phiếu tiềm năng.

      Truy cập website: www.simplize.vn

      Trước khi hướng dẫn bạn từng bước để tìm những cổ phiếu tốt ở phần sau của bài viết, đầu tiên, tôi muốn bạn thực sự hiểu được keyword: “cổ phiếu tốt”. Vậy…

      Như thế nào là 1 cổ phiếu tốt?

      Trên các diễn đàn chứng khoán (hoặc 1 vài cuốn sách), bạn sẽ bắt gặp 1 vài câu nhận định kiểu như:

      “Cổ phiếu chỉ tốt khi nó tăng giá”

      “Cổ phiếu tốt là cổ phiếu mà giá của nó đang tăng”

      Nhận định này sẽ chỉ đúng nếu bạn đang đầu cơ và điều bạn cần quan tâm duy nhất là giá cổ phiếu.

      Khi bạn đầu tư, cổ phiếu chính là doanh nghiệp. Và 1 cổ phiếu chỉ tốt khi doanh nghiệp đó tốt.

      Một doanh nghiệp tuyệt vời sẽ cho bạn cơ hội để có 1 cổ phiếu tuyệt vời.

      Dưới đây là những yếu tố cần thiết mà bạn cần đảm bảo trước khi lựa chọn bất kỳ 1 cổ phiếu nào:

      Tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao – với ít (hoặc không có) nợ vay

      Chỉ với tiêu chí này, bạn có thể tìm thấy những cổ phiếu có mức tăng 400 – 500% trong 1 khoảng thời gian (sóng tăng) rất dài, thường tối thiểu là 3 năm.

      Bạn có thể sử dụng tỷ lệ ROIC hoặc (đơn giản hơn) là tỷ lệ ROE.

      Ví dụ như VNM, tỷ lệ ROE trong nhiều năm luôn duy trì ở mức cao trên 28%:

      …và mức giá VNM đã tăng như thế nào?

      Bí mật ở đây là gì?

      Khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao, vượt trên chi phí sử dụng vốn thì giá trị mà cổ đông nhận được sẽ tăng theo thời gian.

      Ngược lại, nếu tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp hơn chi phí sử dụng vốn, bạn càng nắm giữ cổ phiếu lâu thì giá trị cổ phần của bạn sẽ càng bị “bào mòn”.

      Warren Buffett định nghĩa 1 cổ phiếu tuyệt vời (như Coca-Cola) là 1 doanh nghiệp vừa có thể tạo ra dòng tiền cho cổ đông (nhà đầu tư) và đồng thời vẫn có thể tài trợ cho hoạt động kinh doanh để tiếp tục tăng trưởng.

      Để bạn thực sự hiểu vấn đề này, tôi sẽ lấy 1 ví dụ đơn giản sau đây.

      Giả sử 1 công ty A tăng trưởng vĩnh viễn ở mức 10% theo cách “cân bằng” (balanced way).

      Nghĩa là:

      • Doanh thu và tất cả những khoản mục khác trên báo cáo kết quả kinh doanh đều tăng trưởng ở mức 10%/năm
      • Tất cả tài sản cần thiết cũng tăng ở mức 10%/năm
      • Nguồn vốn tương ứng (giả sử không có vay nợ) mỗi năm cũng cần thêm 10%/năm
      • Biên lợi nhuận (sau thuế) không đổi

      Giả sử đầu năm 2019, công ty này có 200 tỷ vốn (vốn chủ sở hữu, vì giả định không có vay nợ) và tạo ra 400 tỷ doanh thu. Lợi nhuận sau thuế (giả định) tạo ra là 32 tỷ.

      Tỷ lệ ROE khi đó là 16% (hay, 32/200).

      Biên lợi nhuận sau thuế là 8% (hay, 32/400).

      Trường hợp công ty A tăng trưởng vĩnh viễn ở mức 10%

      Mỗi năm, công ty A sẽ cần bổ sung 1 lượng vốn tương ứng bằng 10% vốn chủ sở hữu hiện tại, được trích ra từ lợi nhuận của năm nay.

      Tỷ VNĐ 2019 2020 2021
      Doanh thu, tăng 10% mỗi năm (a) 400 440 484
      Biên lợi nhuận sau thuế, cố định 8% (b) 8% 8% 8%
      Lợi nhuận sau thuế, (c) = (a) x (b) 32 35 39
      Vốn chủ sở hữu, tăng 10% mỗi năm (d) 200 220 242
      Return on Equity, ROE, (e) = (c) / (d) 16% 16% 16%
      Lợi nhuận phân phối cho nhà đầu tư, (f) = (c) – 10% x (d) 12 13 15

      Giả sử, nếu chi phí vốn chủ sở hữu của công ty A là 20%, khi đó giá trị công ty A là:

      12 x 1/(20% – 10%) = 120 tỷ

      Bạn không cần quá “bối rối” vì công thức này. Đây chỉ là 1 công thức tính giá trị khi công ty tăng trưởng vĩnh viễn. Bạn có thể vào đây nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về công thức.

      Điều quan trọng ở đây là gì?

      Giá trị thực của công ty đã giảm từ 200 tỷ vốn ban đầu và chỉ còn 120 tỷ.

      Khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) thấp hơn chi phí vốn, công ty càng tăng trưởng thì theo thời gian, giá trị công ty sẽ càng suy giảm.

      Điều gì xảy ra nếu chi phí vốn chủ sở hữu là 14%?

      Giá trị công ty A khi đó sẽ là:

      12 x 1/(14% – 10%) = 300 tỷ.

      Rất rõ ràng. Giá trị của công ty được tăng lên khi tăng trưởng nếu chi phí vốn thấp hơn tỷ suất lợi nhuận mà công ty tạo ra.

      Vậy nếu công ty không tăng trưởng thì sao?

      Khi đó, công ty không phải bổ sung thêm vốn, vì thế lợi nhuận còn lại của cổ đông sẽ là 32 tỷ mỗi năm.

      Giá trị công ty A khi đó sẽ là:

      32 x 1/(14% – 0%) = 229 tỷ.

      Con số này vẫn cao hơn mức vốn chủ sở hữu ban đầu là 200 tỷ.

      Điều này cho thấy, chỉ cần tỷ suất lợi nhuận cao hơn chi phí vốn, thì giá trị của doanh nghiệp vẫn tăng lên theo thời gian, bất chấp việc có tăng trưởng hay không.

      Bottom line?

      Tôi không muốn làm bạn “bối rối” vì những công thức toán học. Điều bạn cần nhớ là:

      Cổ phiếu tốt là những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận trên vốn duy trì ở mức cao, ổn định trong nhiều năm.

      Mô hình của GoValue tính toán chi phí vốn chủ sở hữu của cổ phiếu niêm yết ở thị trường Việt Nam rơi vào khoảng 10 – 16% tùy vào từng ngành nghề và từng doanh nghiệp.

      Điều này nghĩa là bạn nên tìm những cổ phiếu có tỷ lệ ROE lớn hơn 16% (trong 3 – 5 năm liền).

      Lợi thế cạnh tranh dài hạn – hay “con hào kinh tế” (economic moats)

      Chúng ta nói đến lợi thế cạnh tranh rất nhiều khi đầu tư.

      Một cổ phiếu tốt PHẢI CÓ những (hoặc ít nhất một) lợi thế cạnh tranh bền vững và dài hạn nào đó.

      Tại sao?

      Ở bất kỳ 1 ngành nghề kinh doanh nào có biên lợi nhuận cao, sẽ luôn có những doanh nghiệp mới “thèm muốn” tham gia vào để chia nhau “miếng bánh”. Họ có thể sử dụng rất nhiều chiến lược để chiếm lĩnh thị phần, chẳng hạn như tăng mức chiết khấu cho đại lý hay thậm chí bán lỗ…

      Và chỉ có lợi thế cạnh tranh mới giúp doanh nghiệp bảo vệ được tỷ suất lợi nhuận trên vốn của mình, và duy trì nó luôn ở mức cao trong dài hạn. Đó là lý do tại sao VNM, MWG hay FPT luôn có tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức cao trong nhiều năm liền.

      Lợi thế cạnh tranh là những rào cản vô hình, bảo vệ cho doanh nghiệp và đảm bảo doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì được vị thế của mình.

      Khi bạn đi tìm cổ phiếu tốt, bạn BẮT BUỘC phải để ý đến những yếu tố cấu thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Dưới đây là 1 số ví dụ điển hình:

      • Nhà sản xuất/cung cấp với chi phí thấp, lý tưởng là chi phí sản xuất thấp nhất (Low cost producer)
      • Nhãn hiệu (Branding) dẫn đầu
      • Công nghệ (hoặc phát minh) độc quyền
      • Mạng lưới (network effects)
      • Vị trí địa lý
      • Lợi thế kinh tế theo quy mô (economy of scale)

      Vậy làm thế nào để bạn có thể đánh giá sơ bộ về lợi thế cạnh tranh của 1 doanh nghiệp?

      Tôi đã thiết kế 1 danh sách (checklist) những chỉ tiêu cơ bản thể hiện lợi thế cạnh tranh của 1 doanh nghiệp. Bạn có thể tải về ở đây (miễn phí).

      Thông thường, một doanh nghiệp tuyệt vời sẽ cố gắng kết hợp nhiều loại lợi thế cạnh tranh để tạo ra nhiều rào cản với đối thủ của mình.

      Lấy ví dụ với Thế giới di động (MWG)…

      Đây là 1 doanh nghiệp phát triển các cửa hàng bán lẻ theo chuỗi. Lợi thế kinh tế theo quy mô được thể hiện khi MWG mở rộng và chiếm lĩnh các cửa hàng vật lý của mình.

      Thương hiệu Thế giới di động và Điện máy xanh cũng dẫn đầu ở mảng điện thoại và điện máy.

      Mạng lưới bán hàng của MWG cũng được phát triển theo hướng Omichannel, đa kênh và cũng đều dẫn đầu.

      Bottom line?

      Khi bạn tìm kiếm 1 cổ phiếu tốt, hãy đảm bảo rằng cổ phiếu đó có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt nào đó. Những lợi thế giúp cho cổ phiếu luôn đứng vững (trong dài hạn) trước những đối thủ và trong những giai đoạn khó khăn.

      Đừng vội vàng chấp nhận 1 cổ phiếu nào đó. Hãy dành vài phút để trả lời các chỉ tiêu được nêu trong danh sách (checklist) mà tôi chia sẻ ở trên.

      Bạn có thể tải lại danh sách (checklist) ở đây.

      Nuôi dưỡng hay phá bỏ?

      Bất kỳ một lợi thế cạnh tranh nào cũng không có khả năng tồn tại vĩnh viễn.

      Năm ngoái, tôi có cơ hội đến Silicon Valley và thăm trụ sở của Facebook. Ngay cổng vào là 1 tấm biển có biểu tượng “Like” rất ấn tượng và đúng chất Facebook.

      Hầu hết ai đến đây đều thích chụp ảnh lưu niệm với tấm biển này nhưng ít ai để ý đến mặt sau của tấm biển.

      Mặt sau tấm biển có logo của Sun Microsystems.

      Tại sao lại là Sun Microsystems ở phía sau tấm biển của Facebook?

      Bạn có thể đoán rằng vì Facebook “trưng dụng” biển hiệu cũ của Sun Microsystems (ban đầu tôi cũng đoán vậy). Nhưng không phải vậy.

      Tôi tò mò và hỏi 1 bạn nhân viên bảo vệ ở cổng của Facebook. Và đây là câu trả lời.

      Facebook muốn nói với tất cả nhân viên của mình, rằng Sun Microsystems đã từng là 1 trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và giờ đã biến mất (bị thâu tóm). Hãy nhớ rằng chỉ cần chúng ta không tiến lên phía trước hàng ngày, chỉ cần chúng ta ngủ quên trên chiến thắng, chúng ta cũng sẽ biến mất như câu chuyện của cái logo mặt sau tấm biển.

      Bản thân lợi thế cạnh tranh là những yếu tố mang tính chất xây dựng và nuôi dưỡng.

      Và một công ty sẽ chỉ tuyệt vời nếu Ban lãnh đạo của họ hiểu được điều này và đầu tư nguồn lực để tiếp tục duy trì và mở rộng lợi thế cạnh tranh của mình.

      Ngược lại, nếu Ban lãnh đạo không duy trì lợi thế của mình, thì câu chuyện về Sun Microsystems mà Facebook nói với nhân viên của mình, chính là bài học đáng suy ngẫm nhất.

      Trong quá khứ, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều công ty đang làm ăn rất tốt, có những lợi thế nhất định trên thị trường nhưng lao vào đầu tư bất động sản (vốn không phải thế mạnh).

      Theo thời gian, những khoản đầu tư bất động sản không hiệu quả (thậm chí lỗ nặng), thiếu vốn và công ty bắt buộc phải thanh lý để tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh cốt lõi.

      Và những cổ đông nắm giữ cổ phiếu chính là những người bị thiệt hại nặng nề nhất.

      Hãy nhìn PNJ – CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận…

      Suốt từ 1992 – 2015, PNJ đầu tư lấn sân sang rất nhiều mảng khác như ngân hàng (Đông Á Bank), bất động sản. Phải sau cú sốc vàng miếng năm 2012, PNJ mới nhìn thấy thế mạnh của chính mình là 1 doanh nghiệp có sản phẩm vàng trang sức uy tín nhất khu vực miền Nam.

      Đến 2015, phải sau khi trích lập dự phòng toàn bộ gần 400 tỷ cho khoản đầu tư vào ngân hàng Đông Á, PNJ mới thực sự xây dựng lợi thế cạnh tranh của mình là: “Nhà bán lẻ trang sức vàng số #1 Việt Nam”. Và giá cổ phiếu của PNJ cũng tăng hơn 400% ngay sau đó:

      Nuôi dưỡng hay phá bỏ? Quyết định này của Ban lãnh đạo sẽ xác định doanh nghiệp đó sẽ suy tàn hay trở thành 1 doanh nghiệp tuyệt vời.

      Tìm cổ phiếu tốt – “Fish where the fish are”

      Thông thường nhà đầu tư sẽ tìm kiếm theo 1 trong 3 cách sau:

      • Tìm những cổ phiếu tốt, sau đó đánh giá xem mức giá hiện tại có rẻ (và/hoặc đang có xu hướng giá tăng) hay không?
      • Tìm những cổ phiếu đang có xu hướng giá tăng (momentum cao), sau đó đánh giá xem cổ phiếu có tốt (và/hoặc đang rẻ tương đối) hay không?
      • Tìm những cổ phiếu đang rẻ, sau đó đánh giá xem cổ phiếu có tốt (và/hoặc đang có xu hướng giá tăng) hay không?

      Note: cụm từ “Và/hoặc” ở đây được hiểu là có người đòi hỏi cả 3 yếu tố, nhưng với nhiều người thì chỉ cần 2/3 yếu tố.

      Bạn cần phải hiểu rằng sẽ không có 1 phương pháp nào phù hợp với tất cả mọi người và không có 1 phương pháp nào có thể giúp bạn tìm được tất cả mọi cổ phiếu tốt.

      Để có thể “quét” được nhiều cổ phiếu tốt, bạn sẽ cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp với nhau.

      Dưới đây tôi sẽ chia sẻ với bạn:

      • 3 cách tìm cổ phiếu tốt cơ bản và đơn giản nhất mà bạn có thể áp dụng ngay, và
      • Những công cụ miễn phí mà bạn có thể dễ dàng sử dụng.

      Cảnh báo:

      Đây không phải là 1 công thức “1 + 1 = 2” giúp bạn ngay lập tức tìm được những cổ phiếu “ăn bằng lần”. Thay vào đó, đây là hướng dẫn cách bạn có thể xây dựng hệ thống của riêng bạn để tìm thấy những cổ phiếu này.

      Cách #1: Tìm những kẻ dẫn đầu – The leaders

      Như đã nói ở trên, những kẻ dẫn đầu sẽ có những yếu tố cơ bản vượt trội hơn những doanh nghiệp khác.

      Điều này có thể bắt nguồn từ 1 hoặc 1 số lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đó so với những đối thủ cùng ngành ở 1 khu vực vị trí địa lý nào đó.

      Tất cả sẽ phản ánh vào những chỉ số tài chính cơ bản của doanh nghiệp (fundamental variables). Và đây sẽ là cơ sở đầu tiên để bạn “đào bới tìm vàng”.

      Chú ý:

      Fundamental variables ở đây chỉ phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp, KHÔNG tính đến mối liên hệ với biến động giá cổ phiếu (bạn sẽ thấy rõ điều này trong Cách #2, #3 ở dưới đây).

      Tôi đã tham khảo hàng chục bộ lọc cổ phiếu, bao gồm hàng chục cổ phiếu được các chuyên gia giới thiệu trong sách của họ.

      Và đây là sự thật:

      Gần như 90% những hướng dẫn tìm cổ phiếu tốt đều bắt đầu với những chỉ số cơ bản. Mặc dù có rất nhiều phiên bản khác nhau nhưng tựu chung lại, mục tiêu đều để đánh giá ở 4 khía cạnh chính, bao gồm:

      • Khả năng sinh lợi (Profitability)
      • Năng suất (Productivity)
      • Cấu trúc vốn (Capital Structure)
      • Tăng trưởng (Growth)

      Ở mỗi khía cạnh này, sẽ có rất nhiều chỉ tiêu có thể được sử dụng. Và sự thật là chưa có 1 nghiên cứu nào chỉ ra được…

      …chỉ tiêu nào là chính xác nhất hay mức độ bao nhiêu là hợp lý nhất.

      Theo kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng việc “cầu toàn” trong việc lựa chọn chỉ tiêu nào sẽ chỉ làm bạn tốn thêm nhiều thời gian không cần thiết. Thay vào đó, bạn chỉ cần lựa chọn 1 vài chỉ tiêu đơn giản như sau:

      • ROE hoặc ROIC (tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn, bao gồm vốn chủ và nợ vay)
      • Biên lợi nhuận gộp hoặc biên lợi nhuận sau thuế
      • Tỷ lệ đòn bẩy: Tổng nợ/Vốn chủ sở hữu hoặc Tổng tài sản/Vốn chủ sở hữu
      • Tăng trưởng EPS, 1 năm và tăng trưởng kép nhiều năm
      • Tăng trưởng doanh thu

      Không cần quá cầu toàn.

      Công việc tìm kiếm này mục đích là giúp bạn rút ngắn thời gian tìm kiếm cổ phiếu tốt, nhưng hãy nhớ…

      Khi bạn đưa vào quá nhiều chỉ tiêu, hoặc bạn đặt yêu cầu (các mức lọc) quá cao, thì bạn có thể sẽ vô tình loại ra 1 vài cổ phiếu tuyệt vời khác.

      Thực tế là với những công cụ mà tôi sẽ giới thiệu dưới đây, bạn có thể dễ dàng thêm/bớt các chỉ tiêu và điều chỉnh các mức chỉ tiêu để chọn ra 1 hệ thống chỉ tiêu phù hợp nhất với bạn.

      Một gợi ý nhỏ của GoValue

      Warren Buffett từng nói:

      Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng sẽ là 1 chỉ dẫn đầu tư tốt hơn rất nhiều so với tìm kiếm trong giai đoạn tích cực

      Hiểu đơn giản là…

      Nếu bạn chọn lọc những cổ phiếu có mức tăng trưởng cao, các chỉ số tài chính đều tuyệt vời thì có thể (chỉ là có thể!) cổ phiếu đó lại đang ở đỉnh của chu kỳ tăng trưởng. Đặc biệt là với những cổ phiếu có tính chu kỳ (cyclical).

      Do đó, tôi vẫn thường “lọc ngược”.

      Vẫn là những chỉ tiêu ở trên, tuy nhiên tôi lựa chọn những cổ phiếu doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, ROE giảm xuống mức thấp nhất trong 5 – 7 năm, nhưng vẫn đang có lãi.

      Khi tình trạng này đã duy trì liên tục trong 2 – 3 năm liên tiếp thì có thể (lại vẫn chỉ là có thể!) cổ phiếu đó sắp bước vào 1 giai đoạn hồi phục (recovery).

      Hãy nhớ rằng, kể cả những doanh nghiệp dẫn đầu (tốt nhất) cũng chưa chắc đã miễn nhiễm với yếu tố chu kỳ.

      Và việc của bạn là đánh giá xem liệu doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh đặc biệt nào có thể giúp hoạt động kinh doanh của nó “ngóc đầu” trở lại không.

      Cách #2: Tìm những kẻ “bị ruồng bỏ”

      Nếu bạn thích những cổ phiếu vốn hóa (quy mô) trung bình, phương pháp này chắc chắn sẽ ĐẶC BIỆT phù hợp với bạn.

      Chắc chắn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng: Không có cổ phiếu nào chỉ tăng mãi mà không có những chuỗi ngày giảm điểm.

      Điều này bắt nguồn từ cảm xúc của đám đông.

      Khi đám đông hưng phấn, họ sẵn sàng mua cổ phiếu với mức giá vượt xa giá trị thực của nó.

      Ngược lại, khi lo sợ và hoảng loạn, họ lại dễ dàng bán cổ phiếu tốt ở mức giá thấp hơn (chiết khấu) rất nhiều so với giá trị.

      Giống như Warren Buffett nói:

      …trong phần lớn thời gian, cổ phiếu không giao dịch ở mức giá trị thực của nó.

      Ở trong trạng thái chán nản và nghi ngờ, những cổ phiếu tốt sẽ bị lãng quên. Thậm chí, đám đông không mặn còn mà với tất cả cổ phiếu, bất kể giá trị thực của chúng như thế nào.

      Và tôi thường gọi những cổ phiếu tốt trong giai đoạn này là “những kẻ bị ruồng bỏ”.

      Cũng chính vì nghịch lý này mà tôi vẫn hay nói với mọi người:

      “Tôi thường thấy vui khi thị trường giảm, giảm mạnh càng tốt. Vì khi thị trường giảm, tôi sẽ nhìn thấy 1 mỏ vàng lộ thiên. Còn khi thị trường tăng, tôi có rất ít cơ hội để tìm kiếm”.

      Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để tìm được “những kẻ bị ruồng bỏ”?

      Khác với cách #1, ở phương pháp này bạn sẽ cần đến những chỉ số so sánh tương đối giữa giá cổ phiếu với các chỉ số hoạt động của công ty.

      Dưới đây là những chỉ tiêu hoặc bộ chỉ tiêu mà bạn có thể sử dụng:

      • Tỷ lệ P/E và PEG
      • Tỷ lệ P/B và ROE
      • Tỷ lệ P/S
      • Tỷ lệ P/FCF (Free cash flow)
      • Tỷ lệ EV/EBITDA
      • Tỷ suất cổ tức (Dividend yield) và Tăng trưởng cổ tức (Dividend growth)

      Ngoại trừ tỷ lệ dividend yield, thì với những tỷ lệ còn lại càng thấp sẽ càng tốt – cổ phiếu càng rẻ.

      Cách làm rất đơn giản.

      Bạn chỉ cần lấy 1 bảng số liệu tất cả các cổ phiếu đang niêm yết (sử dụng những công cụ mà tôi sẽ chia sẻ dưới đây) và sắp xếp các chỉ tiêu ở trên theo thứ tự tăng dần (hoặc giảm dần).

      Sau đó, bạn có thể chọn ra từ 10 – 20% những cổ phiếu có các chỉ tiêu thấp nhất (hoặc lớn nhất đối với Dividend yield).

      Đây sẽ là danh sách những cổ phiếu có nhiều khả năng sẽ là “những kẻ bị ruồng bỏ”.

      Trước khi tiếp tục với những phương pháp khác, tôi muốn chia sẻ với bạn cách mà tôi sử dụng 1 trong số những chỉ tiêu trên để tìm thấy 1 cổ phiếu có mức tăng hơn 50% vào thời điểm mà thị trường đang bỏ quên.

      Cụ thể chỉ tiêu mà tôi sử dụng là Dividend yield (tỷ suất cổ tức).

      Có 1 bí mật ở đây là hầu hết nhà đầu tư thường không mấy quan tâm đến tỷ suất cổ tức. Mọi người thường quan tâm nhiều đến những cổ phiếu tăng trưởng với kỳ vọng lợi nhuận đến từ chênh lệch giá.

      Và vì thế họ dễ bỏ qua những cơ hội rất lớn. Thực tế là khi bạn quan tâm nhiều hơn đến cổ tức, bạn sẽ hiểu 2 điều quan trọng này:

      • Dù cổ phiếu tăng hay giảm thì bạn vẫn sẽ được nhận cổ tức
      • Bản thân cổ tức cũng có thể tăng trưởng (mà tôi hay gọi là cổ phiếu tăng trưởng cổ tức)

      Ví dụ với PPC (Nhiệt điện Phả Lại)…

      Cuối năm 2018, giá cổ phiếu PPC đã giảm hơn 32%, từ mức 23.5 xuống 16.x.

      Ở mức giá thời điểm đó, PPC giao dịch ở mức Dividend yield hơn 14%! Một mức sinh lợi rất cao trong dài hạn và còn chưa tính đến khả năng tạo lợi nhuận từ chênh lệch giá (capital gain).

      Nếu áp dụng công thức 72 thì bạn sẽ chỉ mất hơn 5 năm (72 / 14%) để nhân đôi số vốn đầu tư ban đầu. Nghĩa là, sau 5 năm bạn sẽ sở hữu cổ phiếu của 1 cỗ máy in tiền như PPC, hoàn toàn MIỄN PHÍ!

      Tôi không thể mong chờ điều gì hơn thế.

      Việc của tôi khi đó chỉ đơn giản là đảm bảo:

      • Hoạt động kinh doanh của PPC vẫn tạo ra dòng tiền ổn định đủ để duy trì (và có thể tăng trưởng) mức cổ tức hiện tại
      • PPC tích cực trả nợ để có 1 bảng cân đối đẹp và ổn định hơn.

      Và kết quả?

      PPC đã tăng hơn 42% (trong khoảng 6 tháng) tính đến thời điểm tôi viết bài viết này.

      Kỹ thuật “cắt bỏ đầu & đuôi”

      Đây là 1 kỹ thuật được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác (như trước đây tôi cũng áp dụng trong việc lọc hồ sơ tuyển dụng nhân viên mới).

      Cụ thể:

      Ví dụ với chỉ số Dividend yield, tôi sẽ chọn ra 1 danh sách “ở giữa”:

      • Loại bỏ 5% những cổ phiếu có dividend yield cao nhất
      • Loại bỏ 25% những cổ phiếu có dividend yield thấp nhất (bao gồm cả dividend yield = 0%)
      • Sắp xếp danh sách 70% cổ phiếu còn lại để xác định cổ phiếu nào có dividend yield hấp dẫn nhất và chọn ra 20% cổ phiếu (có dividend yield cao nhất) từ danh sách này

      Tại sao bạn nên áp dụng kỹ thuật này?

      Thông thường có nhiều trường hợp bất thường làm cho các chỉ số này bị méo mó 1 cách vô lý (cao hoặc thấp quá mức).

      Ví dụ có những thời điểm Dividend yield của QCG (Quốc Cường Gia Lai) lên tới gần 40% (!?).

      Để rút ngắn thời gian tìm kiếm thì đây là kỹ thuật mà tôi vẫn thường xuyên sử dụng với hầu hết các chỉ số.

      Cách #3: Tìm những ngôi sao “sắp sáng”

      Nếu bạn đang sử dụng (hoặc tìm hiểu) phân tích kỹ thuật, bạn sẽ thích phương pháp này.

      Đây là phương pháp tìm kiếm những cổ phiếu sắp có xu hướng tăng giá, và hoàn toàn dựa trên dữ liệu giá/khối lượng.

      Nhắc lại 1 chút về phân tích kỹ thuật…

      Phân tích kỹ thuật là phương pháp sử dụng dữ liệu giá và khối lượng giao dịch để:

      • Nhận diện các hình mẫu (tăng giá hoặc giảm giá) hoặc
      • Xây dựng các chỉ báo giúp báo hiệu các xu hướng (có khả năng cao) sẽ xảy ra trong tương lai

      Quan điểm của phân tích kỹ thuật cho rằng giá cổ phiếu phụ thuộc vào cung và cầu trên thị trường, và ít khi có mối liên hệ với giá trị doanh nghiệp trong ngắn hạn.

      Cảm xúc của nhà đầu tư sẽ quyết định phần lớn đến lựa chọn tham gia vào bên mua hay bên bán, và vì thế quyết định đến xu hướng của giá cổ phiếu.

      Dựa vào đây bạn có thể tìm ra khá nhiều cổ phiếu tốt và sắp có xu hướng tăng giá.

      Đây chính là cách tôi đã áp dụng để tìm thấy những cơ hội như REE vào cuối 2016…

      Ở bước này, bạn không cần phải sử dụng những công cụ hay chỉ báo gì phức tạp.

      Tôi thích sự đơn giản vì thế trong chỉ số Price Momentum của tôi, tôi chỉ cần đưa vào 2 bộ chỉ số:

      Với SMA 50 và SMA 200, bạn hãy tìm những cổ phiếu thỏa mãn những điều kiện sau:

      • SMA 50 > SMA 200, hoặc
      • SMA 50 < SMA 200 nhưng khoảng cách SMA 200 – SMA 50 giảm dần và tiệm cận về mức 0
      • SMA 200 tăng dần (hoặc ít nhất là đi ngang) trong 3 tháng gần nhất

      Với MACD và MACD Histogram, bạn chỉ cần quan tâm đến chỉ báo theo tháng (monthly) và bỏ qua các chỉ báo theo số liệu tuần (weekly) và ngày (daily).

      • MACD > Đường Signal (bản chất là 1 đường Moving average khác)
      • MACD < Đường Signal, nhưng MACD Histogram đang tiến dần về 0

      Tại sao bạn chỉ cần quan tâm đến chỉ báo tháng?

      Mục tiêu của tôi khi sử dụng những chỉ báo này không phải là để tìm tín hiệu mua. Thay vào đó…

      …tôi muốn tìm những cổ phiếu đang ở trong 1 giai đoạn mà bên mua với bên bán đang cân bằng nhau (cần bằng cùng – cầu).

      Và đơn giản là bạn chỉ cần quan tâm đến điểm cân bằng cung – cầu trong dài hạn, hay 1 xu hướng có thể sẽ xảy ra trong dài hạn. Thay vì cố dự đoán những xu hướng trong ngắn hạn.

      Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo bạn rằng, đây chỉ là bước tìm kiếm đầu tiên (theo xu hướng).

      Sau bước này, bạn cần sử dụng những chỉ tiêu ở đầu bài viết để đánh giá chắc chắn rằng đây là 1 cổ phiếu tốt.

      Sử dụng công cụ nào để thực hiện 3 cách trên?

      Ở phần này, tôi sẽ giới thiệu với bạn những công cụ miễn phí mà bạn có thể sử dụng để thực hiện 3 cách trên.

      Free tool #1: Investing.com

      Investing.com là 1 công cụ miễn phí cực kỳ tuyệt vời nếu bạn cần chọn lọc cổ phiếu hay muốn xem các chỉ số tài chính của 1 công ty niêm yết.

      Bạn có thể dễ dàng xem các chỉ số tài chính hoặc các chỉ báo kỹ thuật của 1 cổ phiếu:

      định giá cổ phiếu fpt investing.com

      Công cụ lọc của Investing.com cũng dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật. Hoặc tìm kiếm số liệu về những doanh nghiệp cùng ngành ở trong nước và trong khu vực:

      Free tool #2: Bộ lọc cổ phiếu TradingView

      TradingView được phát triển như 1 mạng xã hội dành cho các trader chia sẻ các ý tưởng của mình ở nhiều lĩnh vực, trong đó có cổ phiếu.

      Vì thế, TradingView trang bị cho các trader những công cụ lọc và công cụ biểu đồ khá mạnh mẽ.

      Link bộ lọc của TradingView tại đây.

      Bạn có thể lọc theo các chỉ số cơ bản…

      …hoặc theo các chỉ báo kỹ thuật:

      Thực sự, bạn chỉ cần sử dụng những chỉ tiêu mà tôi hướng dẫn ở trên vào trong những bộ lọc này là quá đủ để tìm thấy những cơ hội đầu tư phù hợp.

      Free tool #3: Bộ lọc cổ phiếu VN Direct

      Trong hầu hết những bộ lọc được phát triển bởi các công ty chứng khoán, tôi đánh giá rất cao bộ lọc cổ phiếu mà Vndirect cung cấp.

      Tính năng này hoàn toàn miễn phí với tất cả nhà đầu tư (bạn không cần phải có tài khoản Vndirect).

      Điểm đặc biệt là…

      Vndirect đã thiết kế sẵn những mức lọc cho từng chỉ tiêu và tất cả những gì bạn cần làm là chọn những mức lọc phù hợp với bạn.

      Ví dụ, tôi muốn lọc theo các chỉ số định giá…

      …hoặc lọc theo những chỉ số cơ bản khác:

      Thực tế là khi bạn sử dụng thuần thục 3 phương pháp ở trên, kết hợp với 3 công cụ miễn phí mà tôi vừa giới thiệu…

      …và nếu bạn chăm chỉ thì bạn sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cổ phiếu tốt nữa.

      Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn thích biết nhiều hơn, muốn nhiều hơn.

      Và dưới đây là 2 phương pháp “Bonus” dành cho bạn:

      BONUS – Cách #4: Nhìn từ thị trường hàng hóa

      Phương pháp này sẽ được áp dụng phù hợp nếu bạn muốn tìm kiếm những cổ phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất mà yếu tố hàng hóa là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

      Giá hàng hóa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đầu ra (doanh thu) của 1 doanh nghiệp nhưng ngược lại, lại tác động tích cực đến đầu vào (giá vốn) của 1 doanh nghiệp khác.

      Thông thường, giá hàng hóa biến động sẽ không tác động ngay lập tức đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ có 1 độ trễ nhất định. Có thể là 1 tháng, 3 tháng hoặc 1 vài quý.

      Do đó nếu chăm chỉ, chịu khó theo dõi thị trường hàng hóa, bạn sẽ nhận biết được sớm 1 số doanh nghiệp sẽ có sự chuyển biến tích cực trong tương lai.

      Trang tradingeconomics.com (cụ thể tab Markets > Commodities) là nguồn theo dõi thị trường hàng hóa tốt nhất mà bạn có thể sử dụng.

      Đây chính là cách mà tôi nhận thấy cơ hội mua siêu tốt từ những cổ phiếu cao su tự nhiên, đặc biệt là PHR, trong giai đoạn đầu năm 2016…

      …khi mà tất cả các công ty chứng khoán đều không thèm để ý thì giá cao su tự nhiên đã bắt đầu tạo 1 vùng đáy dài hạn trong năm 2016.

      Khi bạn đi trước thị trường và đây là kết quả…

      PHR đã tăng hơn +400% từ thời điểm đó!

      Bottom line?

      Hãy thường xuyên quan sát giá hàng hóa có tác động lớn đến những doanh nghiệp mà bạn đang quan tâm. Và bạn sẽ biết trước điều gì sẽ xảy ra với doanh nghiệp (sau đó, sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu).

      Đây chính xác là điều mà bạn quan tâm nếu bạn là chủ của doanh nghiệp đó.

      BONUS – Cách #5: Nhặt “vàng” từ báo cáo của công ty chứng khoán

      Mặc dù tôi không đánh giá cao các công ty chứng khoán trong việc lựa chọn THỜI ĐIỂM (TIMING) để mua/bán nhưng thực tế là…

      …các công ty chứng khoán vẫn luôn chọn ra những doanh nghiệp có chất lượng tốt nhất để phân tích và theo dõi.

      Việc chọn cổ phiếu từ danh sách theo dõi của các công ty chứng khoán sẽ giúp bạn khá nhiều thứ. Cụ thể:

      • Hiểu rõ và được cập nhật hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: với tư cách là nhà đầu tư cá nhân, bạn sẽ có rất ít cơ hội để tiếp cận doanh nghiệp (đặc biệt là Ban lãnh đạo) để được cập nhật thông tin về hoạt động kinh doanh. Công ty chứng khoán sẽ làm điều này thay cho bạn
      • Giảm thiểu được 1 phần rủi ro khi đầu tư: những doanh nghiệp đồng ý nói chuyện với công ty chứng khoán (hay nhà đầu tư tổ chức) ít ra là có thể sẽ minh bạch hơn những doanh nghiệp luôn “đóng cửa” với giới đầu tư

      Bạn hãy thử đặt câu hỏi:

      Đến công ty chứng khoán còn không tiếp cận và không biết gì về doanh nghiệp đó, thì liệu bạn có dám chắc là mình hiểu rõ cổ phiếu đó không?

      Và đây là cách bạn có thể thực hiện, để “tận dụng” thông tin từ các công ty chứng khoán:

      Bước #1: Chọn những báo cáo chất lượng nhất

      Có 3 loại báo cáo mà bạn có thể sử dụng, bao gồm:

      • Báo cáo chiến lược đầu tư
      • Báo cáo ngành
      • Báo cáo phân tích cổ phiếu

      Trong đó, tôi khuyên bạn nên đọc và sử dụng những báo cáo chiến lược đầu tư và báo cáo ngành.

      Đây là những báo cáo sẽ cung cấp cho bạn những vấn đề tổng quan nhất về diễn biến ở các ngành nghề và những tác động cơ bản đến từng cổ phiếu.

      Nói ngắn gọn, nó sẽ giúp bạn nhìn được 1 bức tranh lớn.

      Vậy tìm những báo cáo này ở đâu? Và nên đọc báo cáo của công ty chứng khoán nào?

      Thực tế là công ty chứng khoán nào cũng có đội phân tích riêng và với những phong cách khác nhau, và tôi vẫn thường tham khảo hầu hết báo cáo của các đồng nghiệp ở sell-side.

      QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN TÔI…

      • Đối với báo cáo chiến lược: Bạn nên đọc báo cáo chiến lược hàng tháng của CTCK Rồng Việt (VDSC). VDSC công bố báo cáo này hàng tháng. Và tôi đánh giá VDSC có báo cáo chiến lược chất lượng tốt nhất trong số các sell-side.
      • Đối với báo cáo ngành: Nếu bạn đã đầu tư lâu năm, có lẽ bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, báo cáo ngành của CTCK FPT (FPTS) thực sự cực kỳ chất lượng và có rất nhiều thông tin hữu ích về chuỗi giá trị của từng ngành.
      • Đối với báo cáo phân tích cổ phiếu: có lẽ bạn chỉ cần tham khảo báo cáo phân tích của SSI, Bản Việt (VCSC) và Rồng Việt (VDSC).

      Tuy nhiên, đối với báo cáo phân tích cổ phiếu, bạn sẽ cần phải có tài khoản ở những công ty này.

      Cảnh báo: Như đã nói ở trên, đây hoàn toàn là cảm nhận và quan điểm của cá nhân tôi. Bạn nên cân nhắc trong trường hợp sử dụng thông tin này để tham khảo.

      Bước #2: Lên danh sách những cổ phiếu tốt đang được theo dõi

      Hầu hết ở mỗi báo cáo chiến lược hay báo cáo ngành, các công ty chứng khoán đều tổng hợp lại những cổ phiếu mà họ đang theo dõi.

      Những cổ phiếu này đã được họ sàng lọc, lựa chọn, gặp gỡ doanh nghiệp để tìm hiểu và đánh giá.

      Nói cách khác…

      Họ đã giúp bạn làm khá nhiều công việc ban đầu.

      Hãy cố gắng đọc và chọn ra những cổ phiếu nào bạn thích và bạn cảm thấy HIỂU BIẾT NHIỀU NHẤT.

      Đừng thấy cổ phiếu nào hay, cổ phiếu nào hấp dẫn cũng bị “cuốn hút” vào…

      Bạn sẽ chỉ kiếm được tiền từ những cổ phiếu mà bạn am hiểu nhất.

      Thông thường, tôi hay khuyên mọi người hãy chọn ra từ 10 – 15 cổ phiếu mà họ am hiểu nhất và đang được các công ty chứng khoán theo dõi và đánh giá.

      Và tôi tin rằng, bạn cũng nên làm như thế.

      Bước #3: Đánh giá lại theo quan điểm và hiểu biết của bạn

      Tôi muốn nhắc lại 1 lần nữa…

      Một lợi thế rất lớn dành cho bạn khi sử dụng phương pháp này là bạn sẽ được cập nhật liên tục từ công ty chứng khoán về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp mà bạn đang sở hữu cổ phiếu.

      Khi đó, công việc quan trọng nhất mà bạn cần làm là đánh giá, định giá lại theo quan điểm và hiểu biết của bạn.

      Rất nhiều nghiên cứu, thống kê đã chỉ ra rằng những đánh giá, định giá của sell-side luôn có những sai lệch khá lớn, hoặc là lạc quan quá, hoặc là thận trọng quá.

      Nguyên nhân của những sai lệch này là do…

      …thay vì đánh giá với 1 góc nhìn độc lập, khách quan, khác với đám đông (contrarian view) thì sell-side thường cố gắng phân tích, đánh giá cổ phiếu nhằm giải thích biến động giá.

      Nghĩa là, khi giá cổ phiếu đang có xu hướng tăng nhanh thì sell-side thường sẽ lạc quan hơn và tăng mức định giá.

      Ngược lại, khi cổ phiếu đi ngang (hoặc giảm) trong giai đoạn ảm đạm, đám đông ít quan tâm thì sell-side cũng hạ định giá xuống 1 mức tiêu cực hơn bình thường.

      Những cụm từ như: Kém khả quan, Phù hợp thị trường, Tích lũy… luôn được sell-side sử dụng rất nhiều trong những trường hợp này.

      Vậy bạn cần phải làm gì?

      Đừng vì “Price tag” mà sell-side gắn cho cổ phiếu mà cho rằng cổ phiếu đó không hấp dẫn. Thực tế cho thấy sell-side không phải là những nhà đầu tư thông minh.

      Vì vậy, hãy đánh giá và theo dõi cổ phiếu dựa trên hiểu biết và góc nhìn của riêng bạn.

      BONUS – Những loại cổ phiếu cần tránh

      Ngoài việc cố gắng chọn được những cổ phiếu tốt, bạn còn phải học cách tránh những cổ phiếu “lởm”.

      Trong quá trình đầu tư, vì nhiều lý do (media, bạn bè, môi giới…), bạn sẽ rất dễ mua phải những cổ phiếu “lởm” được bơm thổi quá mức.

      Ngay dưới đây là 2 loại cổ phiếu mà bạn nên tránh, không nên mua ở bất kỳ giá nào. Dù có được “quảng cáo” tốt cỡ nào, lợi nhuận ăn bằng lần…

      Loại #1: Công ty liên tục phát hành pha loãng cổ phiếu

      Lý do phổ biến mà công ty liên tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn (pha loãng cổ phiếu) là công ty (hoặc ông chủ công ty) cần tiền.

      Thông thường, công ty sẽ có 2 cách để huy động vốn:

      • Vay tiền
      • Phát hành cổ phiếu

      Khi vay nợ đã chạm các hạn mức tín dụng mà các ngân hàng đã cấp thì rất nhiều chủ doanh nghiệp chuyển sang phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

      Nếu bạn là cổ đông hiện hữu thì việc pha loãng cổ phiếu sẽ làm cho:

      • Thu nhập trên mỗi cổ phiếu giảm xuống do số lượng cổ phiếu tăng lên
      • Tỷ lệ sở hữu của bạn có thể sẽ bị giảm xuống
      • Giá trị cổ phiếu của bạn có thể sẽ bị giảm xuống

      Ví dụ về 1 doanh nghiệp thường xuyên pha loãng cổ phiếu đó là CTCP Tập đoàn FLC (FLC):

      Một khi doanh nghiệp pha loãng cổ phiếu, bạn cần hiểu rằng:

      • Thứ nhất, doanh nghiệp đang giữ lại tiền của cổ đông hiện hữu và (có thể là) huy động thêm tiền từ cổ đông mới
      • Thứ hai, cổ đông đòi hỏi doanh nghiệp sẽ phải tăng trưởng cao hơn trước

      Vậy bạn có nên chấp nhận rủi ro pha loãng này hay không?

      Không nên…

      Chỉ trừ 1 vài trường hợp đặc biệt, nếu bạn thực sự chắc chắn rằng chủ doanh nghiệp đó có thể tạo ra lợi nhuận tăng trưởng cao hơn với những đồng vốn tăng thêm.

      Chẳng hạn, nếu tỷ lệ pha loãng là 15% mỗi năm thì bạn sẽ cần phải yêu cầu doanh nghiệp đó có tốc độ tăng trưởng mỗi năm tối thiểu 17.6%.

      Tại sao phải tăng trưởng 17.6% mà không phải 15%?

      Công thức ở đây là: (1/(1 – 15%)) – 1

      Việc này giống như khi bạn vừa bị lỗ 50% thì bạn phải tạo ra được lợi nhuận 100% từ số vốn còn lại thì mới hoàn vốn ban đầu.

      Với FLC, đây giống như 1 “con ma” khát tiền. Nghĩa là lúc nào cũng phải huy động thêm, tăng trưởng tạo ra không tương xứng với tỷ lệ pha loãng.

      Và thực tế là dòng tiền tự do dành cho bạn (cổ đông) luôn bị âm trong nhiều năm…

      Bạn cần tránh xa những doanh nghiệp như thế này.

      Loại #2: Những doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản lớn (Capex cao)

      “Làm thế nào để tăng trưởng?” luôn là áp lực cực kỳ lớn đối với mỗi chủ doanh nghiệp.

      Và khi doanh nghiệp đang ở 1 giai đoạn đỉnh cao, chủ doanh nghiệp thường sẽ đề xuất những dự án xây dựng rất lớn với tham vọng và lời hứa hẹn tăng trưởng nhanh, kèm theo việc chiếm lĩnh thị phần.

      Ở góc độ đầu tư, tôi khuyên bạn không nên mua cổ phiếu vào những thời điểm này.

      Những dự án đầu tư mới có thể hứa hẹn mức tăng trưởng gấp đôi về doanh thu và tài sản, nhưng luôn đòi hỏi Capex cực kỳ lớn…

      …và tính hiệu quả, khả năng sinh lợi & thu hồi vốn thì vẫn còn trên giấy.

      Doanh nghiệp có thể tăng quy mô sản xuất lên gấp đôi, nhưng thị trường liệu có hấp thụ được hết? Và làm thế nào để doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường?

      Và dù doanh nghiệp có lịch sử tốt đến thế nào thì bạn cũng không nên chấp nhận rủi ro trong trường hợp này.

      Tốt nhất là bạn nên chờ đợi dự án hoàn thành và xem xét các tín hiệu tích cực trong những ngày đầu hoạt động của dự án.

      Nếu bạn còn nhớ Tôn Hoa Sen (HSG) đã từng là 1 bluechip rất “xịn” của thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2017. Dragon Capital cũng là cổ đông lớn khi sở hữu 5.03%, với hơn 17 triệu cổ phiếu.

      Ngày 6/9/2016, sau khi giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi trong 8 tháng nhờ giá thép tăng, giá cổ phiếu đang ở đỉnh cao trong lịch sử, HSG đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua dự án thép Cà Ná với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD (gấp 10 lần tổng tài sản của HSG).

      Với dự án này HSG kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị phần và cạnh tranh “sòng phẳng” với HPG.

      Chủ tịch Lê Phước Vũ khi đó phát biểu trong đại hội: “Ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.

      Thị trường ngay lập tức hưởng ứng với tham vọng này của HSG. Giá cổ phiếu HSG tiếp tục lập đỉnh mới, tăng thêm 52% so với thời điểm HSG công bố dự án.

      Và kết cục của HSG?

      Biểu đồ dưới đây đã thể hiện tất cả…

      Bottom line?

      Để có thể chọn được những cổ phiếu tốt ở những thời điểm phù hợp, và mục tiêu cuối cùng là kiếm được tiền từ chứng khoán…

      Không có cách nào khác, bạn cần phải hiểu rất rõ hoạt động kinh doanh của công ty mà bạn định mua. Tốt nhất là những công ty mà bạn thực sự yêu thích.

      Tất cả những điều mà tôi hướng dẫn cho bạn trên đây chỉ là những công cụ giúp bạn hiện thực hóa ý tưởng đầu tư của mình. Bạn sẽ cần phải chăm chỉ thực hiện nó mỗi ngày để đạt được hiệu quả cao nhất.

      Chúc bạn đầu tư thành công.

      P/s: Hãy comment bên dưới để chia sẻ, bổ sung thêm những phương pháp tìm kiếm cổ phiếu tốt mà bạn đang áp dụng.

      Chia sẻ bài viết này đến bạn bè:

      Khánh Phan, FRM

      Khánh Phan, FRM

      Anh Khánh Phan, FRM là Founder của GoValue. Anh có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, quản trị rủi ro tài chính, và đầu tư chứng khoán. Anh có hơn 5 năm ở vị trí quản lý cấp cao ở Ngân hàng TMCP Quân đội và hơn 5 năm ở vị trí Giám đốc quỹ đầu tư. Anh có 2 năm làm Kiểm toán viên tại KPMG (Kiểm toán Big 4). Anh là 1 trong 10 người đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành chứng chỉ FRM và là người đại diện của GARP (Tổ chức các chuyên gia rủi ro toàn cầu) tại Việt Nam. Follow me:

      78 thoughts on “Hướng dẫn tìm kiếm những cổ phiếu TỐT NHẤT (với công cụ miễn phí)”

      Leave a Comment

      Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

      1. vu xuân lai

        Rất bổ ích và hữu ích cho Fo. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ, mong nhận được càng nhiều chia sẻ nữa từ tác giả

        1. Minh Dũng

          Cám ơn bạn Lai nhiều nha

      2. Hieu

        Bài viết của Khánh rất hay chắc nhiều năm kinh nghiệm thắng thua mới viết được như thế này

        1. Dạ vâng. Em cảm ơn bác đã ủng hộ ạ.

      3. Minh

        Cho e hỏi mình làm thế nào để tính được chỉ số tăg trưởg (growth) để tính PEG được ạ

        1. Go Value

          G là tốc độ tăng trưởng EPS trong tương lai
          Trong bài viết GoValue cũng đã có hướng dẫn cách xác định rồi mà nhỉ 😀

      Bạn mới tìm hiểu về đầu tư chứng khoán và chưa biết bắt đầu từ đâu? Hãy tham khảo Thư viện kiến thức về đầu tư chứng khoán dành cho nhà đầu tư F0 do GoValue hướng dẫn. 

      Khóa học đầu tư giá trị đầu tiên & duy nhất ở Việt Nam – Value Investing Masterclass 2.1

      Dành cho những người muốn xem đầu tư chứng khoán là kênh kiếm tiền dài hạn. Xem chi tiết…

      Xin chào, tôi là Khánh Phan - CEO & Founder của GoValue

      Bạn có thể đăng ký nhận những ý tưởng cổ phiếu mới nhất từ GoValue team ở đây.

      khanh phan frm
      Scroll to Top